Sáng 8-7, Bộ Y tế và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Giải pháp thiết kế kiến trúc bệnh viện hiện đại. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, công trình bệnh viện là một trong ba yếu tố chất lượng khám chữa bệnh (nhân lực y tế, thuốc và điều kiện cơ sở vật chất). Hiện nay, số lượng bệnh viện đang được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo ngày càng nhiều, phần nào đáp ứng tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe đặc thù của hệ thống y tế Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn mang tính chắp vá, manh mún chưa giải quyết được thấu đáo các nhu cầu khám chữa bệnh thời kỳ mới. Theo Thứ trưởng Cường, bệnh viện là công trình công cộng đặc thù có tính phức tạp, công nghệ khám chữa bệnh và trang thiết bị hiện đại cần thay đổi cấp thiết trong xây dựng các công trình bệnh viện. “Bộ Y tế hoan nghênh sáng kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong các hoạt động chuyên môn về lĩnh vực thiết kế công trình bệnh viện đáp ứng yêu cầu của công nghệ y tế về khám chữa bệnh hiện đại hướng tới vận hành bệnh viện an toàn”- ông Cường nhấn mạnh.
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phòng áp lực âm được sử dụng để điều trị và cách ly bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bàn về giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn một số ý kiến cho rằng các bệnh truyền nhiễm đã và đang gây ra một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Để xử lý nguy cơ mầm bệnh, nhiều biện pháp an toàn sinh học đã và đang được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện như phòng áp lực âm và áp lực như một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn các mầm bệnh hiện nay. Đại diện Công ty CP Airtech Thế Long cho rằng việc thiết kế bệnh viện hiện đại cần phải bảo đảm vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý khí, cách ly… nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Điều này đòi hỏi các cơ sở y tế cần quan tâm, tập trung vào các giải pháp nhiễm khuẩn bệnh viện và các cơ sở đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư xây dựng cần có thiết kế mới, bảo đảm vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn nói riêng, phòng chống dịch bệnh nói chung. Với phòng áp lực âm trong điều trị các bệnh truyền nhiễm trong đó có Covid-19 được thiết kế có áp suất thấp hơn xung quanh, chỉ có thể đi vào từ một phía và không thể thoát ra qua phía đó. Nếu có một bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đang được cách ly bên trong, các giọt bắn chứa virus của họ sẽ không thể lội ngược dòng không khí này để thoát ra ngoài được. Thiết kế này giúp giảm khả năng lây lan của virus, dập tắt hiện tượng lây nhiễm chéo qua dòng không khí giữa các bệnh nhân và bệnh nhân với nhân viên y tế. Cùng đó, bệnh nhân được điều trị tại phòng áp lực âm sẽ giảm được sự lây truyền bệnh qua không khí.